Thứ Sáu, 12 tháng 1, 2018

TS. Nguyễn Thị Tính: CUỐN SÁCH QUÝ CỦA TS. NGUYỄN XUÂN DIỆN


(Khoa Văn - ĐH Sư phạm Hà Nội II)

“TẢN VIÊN SƠN THÁNH DI TÍCH & LỄ HỘI ĐỀN VÀ”
là một cuốn sách quý của tác giả Nguyễn Xuân Diện - Viện Nghiên cứu Hán Nôm.


Nội dung cuốn sách cho thấy tác giả đã có sự khảo cứu công phu, tường tận thư tịch, truyền thuyết kết hợp với kết quả khảo sát, nghiên cứu thực địa cẩn trọng, săc sảo. Do đó, với 264 trang, khổ 13cm x 20,5cm, tác giả đã trình bày khoa học, hấp dẫn về các lớp văn hóa xung quanh Đức Thánh Tản Viên và đền thờ Thánh: huyền thoại về một vùng địa linh, Thần tích, kiến trúc đền, bài trí thần điện, đồ thờ, lịch sử tôn tạo, lễ hội, thư tịch Hán Nôm, hoành phi câu đối, văn bia, cuốn thư… Tôi đã đọc thấy nhiều thông tin “lạ” ngoài những gì đã đọc, đã nghe về Đức Thánh Tản: 

- Khi còn nhỏ, ngài tên Nguyễn Tuấn, được Thái Bạch Kim Tinh ban cho một cây gậy đầu sinh đầu tử. Nhờ vậy, ngài đã cứu sống được nhiều người, trong đó có con trai của Long Vương Đế Quân và được Long Vương Đế Quân tặng cho quyển sách ước. Với cuốn sách ước này, ngài cầu gì được nấy, cho nên đã tức khắc có đủ lễ vật vua Hùng yêu cầu…; Sơn Tinh, Thủy Tinh vốn là bạn học; Tản Viên Sơn Thánh từng làm vua…

- Nguyên do các món đều không dùng muối, trầu không dùng vôi trong cỗ tế ở đền Và.


- Sự hỗn dung đan xen tôn giáo, tín ngưỡng qua tục thờ kính Đức Thánh Tản.

Nghiên cứu về văn hóa dân tộc hiện nay rất cần có những người như anh Nguyễn Xuân Diện!

___________________

Sách Mới:

TẢN VIÊN SƠN THÁNH - DI TÍCH & LỄ HỘI ĐỀN VÀ  

Tác giả: Nguyễn Xuân Diện
NXB. Thế Giới. Hà Nội, 2017. 264 trang.
Giấy trắng. Bìa ép nhũ vàng và thúc nổi trên nền màu son.
Giá bìa: 72.000 đ. 


Liên hệ mua sách:
Tại Đền Và: Chị Nữ  số ĐT: 01 666 824 454.
Tại Hà Nội: Chị Nguyễn Kim Măng – Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 183 Đặng Tiến Đông, Đống Đa, Hà Nội. ĐT: 098 529 9535 Email: kimmanghn@gmail.com

Đền Và (Đông Cung) là nơi thờ phụng Tản Viên Sơn Tam Vị Đại Vương Quốc Chúa Thượng Đẳng Thần, vị thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử và cũng là đứng đầu bách thần – “khí thế rừng rực thuở đương thời, anh linh tỏa rạng đến muôn sau”.
Đền Và là hành cung do Thánh Tản chọn đất, là nơi Ngài đi tuần du, tắm gội rồi về nghỉ lại, gác lại Gậy tiên, Sách ước. Đây cũng là cung điện để bách quan và trăm họ bái yết Thánh Tản.
Đền Và có kiến trúc đường bệ, đăng đối và thâm nghiêm giữa rừng lim già tĩnh mịch, trong không gian độc lập, là nơi danh sĩ các đời đề thơ văn bày tỏ tấm lòng sùng kính với Đức Thánh Tản.
Lễ hội đền Và là một trong các lễ hội lớn vào bậc nhất và đông vui nhất xứ Đoài; hội tụ sức mạnh cộng đồng và gửi gắm khát vọng về hòa bình và no ấm của muôn dân Đất Việt trong suốt dọc dài lịch sử.

MỤC LỤC

Lời giới thiệu

Phần 1: KHẢO CỨU NGỌC PHẢ, DI TÍCH VÀ LỄ HỘI

1. Truyền thuyết và Thư tịch
1.1. Truyền thuyết dân gian
1.2. Thư tịch cổ

2. Khảo cứu về Ngọc phả
2.1. Các bản Ngọc phả (Thần tích)
2.2. Từ truyền thuyết đến Ngọc phả

3. Hình tượng Tản Viên Sơn Thánh
3.1. Những tên gọi của Tản Viên Sơn Thánh
3.2. Các lớp văn hóa của hình tượng Tản Viên Sơn Thánh
3.2.1. Lớp văn hóa tín ngưỡng Việt - Mường
3.2.2. Lớp văn hóa Đạo giáo
3.2.3. Lớp văn hóa Nho giáo

4. Di tích đền Và - nơi Đức Thánh Tản thiết triều
4.1. Kiến trúc đền Và
4.2. Lịch sử xây dựng, tôn tạo đền Và
4.3. Bài trí thần điện và đồ thờ
4.4. Thư tịch Hán Nôm đền Và

5. Lễ hội đền Và, lễ hội lớn nhất xứ Đoài
5.1. Lễ hội Rằm tháng Giêng
5.2. Lễ hội Rằm tháng Chín

Phần 2: DI VĂN HÁN NÔM ĐỀN VÀ

Tản Lĩnh Sơn ngọc phả
Lịch triều Sắc phong
Hoành phi và Câu đối

1. Câu đối ở Nghi môn
2. Câu đối ở Gác trống - Gác chuông
3. Câu đối ở nhà Hữu mạc
4. Hoành phi ở nhà Tiền Tế
5. Câu đối ở nhà Tiền Tế
6. Hoành phi ở Trung cung và Hậu cung
7. Câu đối ở Trung cung và Hậu cung
8. Câu đối trong Tản Viên Sơn Thánh sự tích

Văn bia

Văn bia do Đốc học Sơn Tây Đỗ Doãn Chính soạn năm 1883

Các biển gỗ treo tại nhà Tiền tế
1. Biển gỗ đề thơ của Lại bộ Thượng Thư Nguyễn Khản năm 1783
2. Thơ họa lại của Đốc học Đặng Quỹ và Thương tá Nguyễn Trọng Điển
3. Bài ký leo núi Tản của Thương Sơn Bùi Đàm năm 1902
4. Bài ký về Đền Thượng của Hiến sát sứ Sơn Tây Bùi Đàm năm 1903
5. Bài ký về đền Và của Tuần phủ Sơn Tây Nguyễn Hữu Đắc năm 1909
6. Cuốn thư về đền Và của Phúc Hoàng Phan Đông năm 1912

Thư mục tài liệu tham khảo chính 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét