Chủ Nhật, 24 tháng 12, 2017

Lã Minh Hằng: VỀ CÁC SÁCH CÔNG GIÁO VIẾT BẰNG CHỮ NÔM

 
 .
VĂN BẢN TÁC PHẨM CÔNG GIÁO GHI BẰNG CHỮ NÔM: 
TỪ THƯ MỤC ĐỀN HIỆN TRẠNG

Lã Minh Hằng, PGS.TS
Tel: 0982354426, Email: lahang@gmail.com
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Tóm tắt
Kho sách tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu giữ số lượng không nhiều các thư tịch Hán Nôm có nội dung Công giáo. Trong quá trình thực hiện đề tài, chúng tôi không chỉ dừng ở những chỉ dẫn do bộ Thư mục mách bảo, tiếp tục tra tìm thông tin ghi chép trong văn bản, lần đọc từng trang văn bản photo (có đối chiếu với bản gốc, nếu thấy nghi ngờ), thì thấy rõ đôi chỗ có sự không ăn khớp.
Trong khối tư liệu thư tịch Hán Nôm Công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chúng tôi đã khảo sát 10 văn bản tác phẩm Hán, và 13 văn bản tác phẩm Nôm có nội dung Công giáo. Tuy nhiên, trong khuôn khổ của Bài viết lần này, chúng tôi ưu tiên khảo trước 13 văn bản tác phẩm Nôm.
Bài viết sẽ lần lượt thực hiện các bước khảo sau với mỗi tác phẩm: 1/khảo các ghi chép trong bộ Di sản đề yếu, 2/đối chiếu các ghi chép trong bộ Thư mục Di sản đề yếu với thực tế văn bản hiện đang được lưu giữ tại kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, 3/Trên cơ sở các khảo sát đó, rút ra các nhận xét của cá nhân góp phần đính chính cho những nhầm lẫn của bộ Thư mục; Đồng thời, từ việc đọc kĩ văn bản sẽ chỉ ra những sơ xuất trong khâu nhân bản, đóng quyển, quản lí phục vụ độc giả.... Những khảo cứu này sẽ góp phần hữu ích cho các nhà nghiên cứu khi khai thác nhóm tư liệu này, cũng như góp phần vào việc bổ chính cho bộ Thư mục, nếu như chúng được tái bản.
Từ khóa: hiện trạng sách, Hán Nôm Công giáo, Thư mục.
------
Chúng tôi đã khảo cứu và chỉ ra những nhầm lẫn cần chỉnh sửa trong 10 văn bản tác phẩm Hán, và 13 văn bản tác phẩm Nôm có nội dung Công giáo[1] hiện đang lưu tại kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN). Trong bài viết này, ưu tiên khảo luận nhóm sách Công giáo ghi bằng chữ Nôm.
Với từng văn bản tác phẩm đưa ra khảo sát, chúng tôi sẽ lần lượt: 1/khảo các ghi chép trong bộ Di sản đề yếu[2], 2/đối chiếu các ghi chép trong bộ thư mục Di sản đề yếu với thực tế văn bản hiện đang được lưu giữ tại phòng Bảo quản của VNCHN, 3/Trên cơ sở các khảo sát đó, rút ra các nhận xét của cá nhân góp phần cung cấp văn bản chuẩn xác cho các nhà nghiên cứu. Chi tiết các tác phẩm được khảo sát như sau:
1.Chân đạo yếu lí, kí hiệu AB.534
a. Di sản đề yếu ghi
              4546. CHÂN ĐẠO YẾU LÝ 真道要理
Giám mục Côrôlô Khiêm (Pháp) biên soạn và đưa in năm 1864.
1 bản in, 266 trang., 26 x 14, 1 mục lục. AB.534.
Sách gồm 9 phần, nói về những giáo lí trọng yếu của đạo Gia Tô.
Đạo Nho, đạo Lão và các tín ngưỡng dân gian phương Đông như Thành hoàng, Thổ công, Cô hồn, xem bói, thiên văn, phù thủy
.
b. Kết quả khảo sát:
- Năm in: 1864.
- Giám mục Côrôlô Khiêm歌嚕壚謙 (Pháp) san thuật, toàn Nôm.
- Bìa: 1 tờ; Tựa + mục lục: 1 tờ.
- Nội dung gồm 9 phần: (+) giảng sự đời nay vân vân, về sự Trời đất muôn vật; (+)  về sự Trời đất cùng các tích dối trá; (+) về sự tam phụ (ba cha gồm hạ phụ trung phụ và thượng phụ; (+) về sự tạo thiên lập địa (tạo lập trời đất); (+) về sự con đức chúa Trời ra đời; (+) về sự phán xét cùng lửa giải tội, về sự thiên đường cùng địa ngục; (+) về bốn mối cả[3] trong đạo Thánh Đức chúa Trời; (+) giảng một đôi lời về kinh Thánh đã có chứng, về những phép lạ ông Thánh Mai Sen làm; (+) giảng về ngũ thường cùng giải những điều bỏ họa cho kẻ giảng đạo.
Nhận xét chung: các ghi chép về năm in, người san thuật, số trang có sự thống nhất giữa bộ Thư mục và thực trạng văn bản. Tuy nhiên, tại phần tóm lược nội dung, Bộ Thư mục cần ghi chi tiết hơn.
2. Sách dạy về sự đánh giặc thiêng liêng, kí hiệu AB.535
a.Di sản đề yếu ghi
4834. SÁCH DẠY VỀ SỰ ĐÁNH GIẶC THIÊNG LIÊNG 𠰺衛事打賊 聲靈
1 bản in,  324 trang., 26 x 15, 1 tựa , 1 mục lục. AB.535
66 điều dạy các con chiên phải tuân theo vua quan vì vua quan là người thay mặt Đức Chúa để cai trị dân, không được nổi loạn, phải tin theo Đức Chúa Lời[4] cho đến khi chết, đừng để ma quỷ cám dỗ.
b.Kết quả khảo sát
Bố cục sách: mỗi trang 9 hàng, mỗi hàng có 26 chữ.
- Bìa 1 tờ (2 trang): tên sách (mặt trước), niên đại + người biên (mặt sau)
- Tựa 5 tờ (9 trang) đánh số riêng;  Mục lục 4 tờ (8 trang)
- Nội dung 152 tờ (304 trang)
Tổng toàn tác phẩm có 162 tờ, 323 trang. Như vậy, các ghi chép về số trang trong Di sản đề yếu là trùng khớp (sai khác 1 trang do cách tính đếm của chúng tôi dựa trên các trang thực ghi chữ).
- Nội dung tác phẩm đề cập đến các vấn đề:
(-) đức chúa Chi Thu dạy ở tròn lành thể nào; (-) Dạy chớ khả cậy mình; (-) Dạy phải cậy đức chúa Trời; (-) Dạy phải dùng linh hồn và xác mà thờ phụng đức chúa Trời và trước hết phải sửa trí khôn; (-) Dạy về những sự thường làm ngăn trở kẻo ta biết xét mọi việc cho nên; (-) Dạy cho biết tỏ sự làm ích hơn; (-) Dạy về sự sửa lòng; (-) Dạy một hai lẽ mà trục lòng muốn sự đức chúa Trời muốn; (-) Dạy phải chống trả lòng thú; (-) Dạy khi thấy chí đã gần thu thì phải làm thể nào; (-) Dạy lẽ khác cho biết chống trả kẻ thù ngược (/nghịch); (-) Dạy khi chống trả tính mê phải giữ thứ tự nào; (-) Dạy phải chống trả tính làm biếng thể nào; (-) Dạy về sự sửa miệng lưỡi là thế nào...
Nhận xét chung: Di sản đề yếu ghi thiếu thông tin về niên đại và người biên soạn tác phẩm.
3. Sách tóm lại những chuyện sấm chuyện cũ, kí hiệu AB.̀536/1-2
a. Di sản đề yếu ghi:
              Sách tóm lại những chuyện sấm chuyện cũ冊縿吏仍傳𡳵[5]
Giám mục Côrôlô Khiêm (Pháp) biên soạn và đưa in năm 1864.
1 bản in, 583 trang., 25 x 14, 1 tựa, 2 mục lục.  AB536/1-2
Những chuyện sấm và truyện cũ về đạo Thiên chúa: chúa Lời sáng tạo ra Trời đất, cho A dam và E va làm tổ tiên loài người…
b. Kết quả khảo sát
- Niên đại và người biên: trang đầu ghi Thiên chúa giáng sinh 1864, Giám mục Cô rô lô Khiêm truyền tử.
- Sách gồm 2 quyển, với dung lượng cụ thể như sau:
Quyển 1: a/ Phần mở đầu, gồm bìa: 1 tờ; tựa: 1 tờ; và mục lục: 5 tờ (10 trang) → Phần này đánh số riêng và b/ nội dung chính: 138 tờ (137,5 tờ x2 = 275trang);
Quyển 2: a/ Phần mở đầu, gồm mục lục 5,5 tờ (11 trang), và b/ nội dung chính 153 tờ (306 trang).
Như vậy, tổng số trang của toàn bộ tác phẩm là: 1/nội dung chính 275 trang + 306 trang =581 trang; và 2/mục lục 10 + 11=21 trang; tựa: 2 trang; bìa 2 trang. Tổng 25trang tổng cộng 606 trang (Di sản đề yếu ghi tổng trang: 583 trang?).
- Mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng 28 chữ; Quyển 1 tổng 86 đoạn (truyện), Quyển 2 tổng 97 đoạn.
- Nội dung sách đề cập đến công nghiệp Đức chúa Trời tạo thiên lập địa, truyện các Thánh: truyện Thánh A Dong, Nô Y, Mai Sen, Đa Vit...
Nhận xét chung: cần bổ sung thêm phần tóm lược nội dung cho bộ Di sản đề yếu. Số trang ghi trong bộ Thư mục không đúng như thực tế hiện có là 606 trang
4. Hội đồng tứ giáo, kí hiệu AB.305 và VNb.36
 a. Di sản đề yếu ghi
1539. HỘI ĐỒNG TỨ GIÁO會同四教
2 bản in, có chữ Hán. AB. 305:
Chủ giáo Nhược Sắt Chiêu in, 72 trang., 25 x 14. VNb. 36:
Giám mục Khu Sà Chiêu in, 160 trang., 20 x 12.
Vào đời Lê Cảnh Hưng, người chú ruột của Chúa Trịnh, nhà quan Sáu, mời đại diện của 4 tôn giáo là Nho sĩ (Nho), Hòa thượng (Phật), Pháp sư (Lão), Giáo sĩ (Thiên Chúa) đến để trình bày về:
- Nguồn gốc con người.
- Cuộc sống của con người trangong hiện tại.
- Con người sau khi chết.
Mục đích tuyên truyền đạo Thiên Chúa, bài xích các đạo Nho, Phật, Lão.
b.Kết quả khảo sát: kho sát sách lưu tại VNCHN, tác phẩm này có 2 dị bản
b1.Bản kí hiệu AB.305 ghi
- Trang bìa, mặt trước ghi tên tác phẩm Hội đồng tứ giáo會同四教, mặt sau tờ bìa ghi năm ấn hành: 1867 và người biên soạn: Chủ giáo Nhược Sắt Chiêu. Trang này không đánh số; Tại trang nội dung chính ghi tên sách: Hội đồng tứ giáo danh sư會同四教名師
- Trang 9 dòng, dòng 30 chữ. Nội dung chính 35,5 tờ (71 trang) + bìa 1 tờ (2 trang). Tổng 73 trang.
Nội dung chính bắt đầu đánh số từ trang(không tính trang bìa).
b2. Bản kí hiệu VNb36 ghi:
- Bìa 1, mặt trangước ghi tên tác phẩm, lần xuất bản, văn tự dùng trong tác phẩm: Bản chữ Nôm, Hội đồng tứ giáo, in lần thứ Hai𡦂[6],會同四教,印𠄩.
- Bìa 1, mặt sau ghi tên người san khắc, năm ấn hành và người biên soạnGiám mục Khu Sà Chiêu san khắc, in năm 1911, Giám mục Phero Maria Đông biên soạn監牧樞槎召新,天主降生一千九百十一年,監牧批嚕瑪移亞東傳梓.
- Trang 10 dòng, dòng 24 chữ. Nội dung chính từ trang 5 – trang 83 = 79 trang. Tổng trang 79 + 2 (bìa) = 81 trang. Theo cách đánh số trang liên tục, thấy có khả năng văn bản này thiểu trang 3 và trang 4 (khả năng là trang tựa?).
- Tên sách ghi ở phần nội dung chính (trang5): Hội đồng tứ giáo danh sư會同四教名師. Tham khảo trang sách của 2 văn bản sách Hội đồng tứ giáo như ảnh dưới




Nhận xét chung
- Tên của cả 2 văn bản tác phẩm này, có chút sai khác giữa trang bìa và trang nội dung: ở cả 2 bản đều có thêm từ “danh sư” vào sauHội đồng tứ giáo danh sư.
- Bản VNb36 trang bìa 1 ghi “bản chữ Nôm”. Như vậy tác phẩm này sẽ có văn bản ghi bằng chữ Hán. Tuy nhiên, chưa tìm thấy bản chữ Hán trong kho sách của VNCHN.
- Số trang có sự khác nhau giữa thực tế văn bản tác phẩm và trong Di sản đề yếu của AB.305 và VNb36, số trang tương ứng là 73 và 81 ≠ 72 và 160 (ghi nhận trong Di sản đề yếu). Đặc biệt tại VNb36 có sự khác nhau khá lớn: lên tới 160 trang  (!).
- Tại bản VNb36, bị mất 2 trang 3 và 4; không ghi năm in và người biên soạn.
5.Tháng cầu cho các linh hồn nơi lửa giải tội, kí hiệu AB.434
a. Di sản đề yếu ghi
4891. THÁNG CẦU CHO CÁC LINH HỒN NƠI LỬA GIẢI TỘI 𣎃求朱各靈魂坭焒解罪
Giám mục 亞東Phê Lỗ Mã Di Á Đông biên soạn. Nhà Ninh Phúc Đường in năm 1896.
1 bản in, 328 trang., 21
x 13, có lời nói đầu, 1 mục lục. AB.434.
30 bài kinh bằng chữ Nôm của đạo Thiên Chúa nói về nơi phát tích của ngọn lửa giải tội; các hình phạt nơi lửa giải tội: không được nhìn mắt Chúa, bị giam cầm, bị thiêu đốt… Phải cầu Chúa để cứu vong linh tổ tiên thoát khỏi nơi lửa thiêu, sớm được lên Thiên Đường…
b.Kết quả khảo sát
- Nội dung bìa sau ghi: 1/Niên đại 1896; 2/Phê Lỗ Mã Di Á Lương[7] san thuật; Phê Lỗ Mã Di Á Đông biên soạn.
- Tổng 320 trang. Sách gồm đoạn mở đường[8] (tựa). Sau phần tựa là nội dung chính, được chia thành 30 đoạn ứng với 30 ngày. Đây là 30 bài kinh cầu cho linh hồn bị giam cầm trong ngục (nơi lửa giải tội). Để có thể hiểu sơ lược nội dung tác phẩm, phần dưới đây trích ghi tên 1 số bài tiêu biểu: Bài 1 về  Gốc tích sự cầu nguyện cho các linh hồn nơi lửa giải tội; Bài 2 về Lửa giải tội là làm sao; Bài 3 về Lẽ làm chứng thực có lửa giải tội chẳng khả hồ nghi; Bài 4 về Những lẽ làm chứng thực có lửa giải tội chẳng khả hồ nghi;  Bài 6 về Hình phạt thứ hai linh hồn phải chịu trong lửa giải tội là phải chịu thiêu đốt; Bài 9 về Sự chẳng những là ta an ủi giúp đỡ các linh hồn nơi lửa giả tội được mà lại cũng buộc ta phải giúp đỡ các linh hồn ấy nữa; Bài 28 về việc phải làm thể nào cho được lánh khỏi lửa giải tội...
- Nội dung căn bản của tác phẩm, đó là:+ghi lại quan niệm của người Công giáo về cuộc sống con người, về thể xác, linh hồn con người sau khi mất…+Về việc thăm viếng chăm lo cho tổ tiên, cha mẹ khi đã khuất
Nhận xét chung Di sản đề yếu không ghi người san thuật, số trang ghi trong bộ Thư mục này có sự không ăn khớp với thực tế văn bản.
 6.Truyện hai mươi ông Thánh tử vì đạo, kí hiệu VNv197
a. Di sản đề yếu ghi
              Truyện hai mươi ông Thánh tử vì đạo[9] 𠄩𨑮翁聖死為道
              VNv197, giám mục A Lê Sơn Di Thành監牧亞黎山移誠傳梓soạn. Ninh Phú đường, Hà Nam, in năm 1900
             1 bản in, 312 trang, 21 x 13,5, 1 tựa 1 mục lục
Chuyện 22 giáo sĩ phương Tây tử vì đạo từ năm Cảnh Thịnh 7 (1798) đến Tự Đức 6 (1853).
b.Kết quả khảo sát
Nội dung, ghi tiểu sự hành trạng của các ông Thánh tử vì đạo, gồm Cụ Thánh Xu Ong Đạt, Văn Thánh Phanchico Xavie Cần, Cụ Thánh Giacobe Năm. Ông trùm Thánh An Tông Đích, ông lý Thánh Mikhe Mĩ... Nhận xét: theo ghi chép trên, thì các vị Thánh tử đạo này không phải giáo sĩ phương Tây, mà là các Thánh người Việt...
7. Tháng ông Thánh Khu Tra, kí hiệu AB433
  a. Di sản đề yếu ghi
4893. THÁNG ÔNG THÁNH KHU TRA 𣎃翁聖摳槎
Giám mục Phê Lỗ Mã Di Á Đông biên soạn. Nhà in Ninh Phúc Đường in năm 1905.
1 bản in, 176 trang., 20
x 13, 1 mục lục. AB.433.
Kinh bằng chữ Nôm của đạo Thiên Chúa dạy các con chiên làm việc trong tháng Thánh Giuse (Khu Tra). Ngày mồng 1: nói về dòng dõi Thánh Giuse; ngày mồng 4: nói về việc Thánh Giuse làm bạn với Đức Bà và làm cha nuôi Chúa Giêsu; ngày 22: nói về đức tính cần mẫn của Thánh Giuse.
b.Kết quả khảo sát
- Di sản đề yếu (bản điện tử) ghi tên sách: Tháng ông Thánh Khu Tra翁聖, viết thiếu chữ tháng 𣎃, và ghi sai: khu viết nhầm thành chữ
- Năm in: Thiên chúa giáng sinh 1905Nhà in Ninh Phú đường
- Phê Lỗ Mã Di Á Lươngsan thuật và Phê Lỗ Mã Di Á Đông監牧批亞東biên soạn.
- Bố cục, gồm: bìa: 1 tờ (2 trang); mục lục: 2 tờ (4 trang); số những sách in chữ Nôm An Nam tại Kẻ Sở: 1 tờ (2 trang); nội dung chính: 176 trang. Tổng trang 176+8=184 trang.
- Nội dung chính của sách, chia 2 phần:
1/ phần chính, gồm 31 đoạn ứng với 31 ngày. Nội dung kể những ấn do tòa Thánh ban cho những kẻ làm việc trong tháng ông Thánh Khu Tra. Nội dung tác phẩm đề cập đến các vấn đề (đơn cử một vài vấn đề): (-) Tối trước ngày mồng 1; (-) Ngày mồng Một: về dòng dõi ông Thánh Khu Tra là thể nào; (-) Về tên cực trọng ông Thánh Khu Tra; (-) Ngày 4 về sự đức chúa Trời chọn ông Thánh Khu Tra làm bạn Rất Thánh đức bà; (-) Ngày 5 về sự ông Thánh Khu Tra cùng Rất Thánh đức bà yêu đương nhau là thể nào; (-) Ngày 22 về sự ông Thánh Khu Tra làm gương nhân đức chịu khó; (-) Ngày 25 về sự ông Thánh Khu Tra xuống lâm bô là thể nào; (-) Ngày 26 về sự ông Thánh Khu Tra sống lại là thể nào...
2/phần 2: phần này có dung lượng ít, chỉ có 10 tờ (20 trang), gồm các nội dung: 
(-) về những tuần cầu xin ông Thánh Khu Tra: (+) cách cầu xin, cầu 1 tuần 9 ngày, cách thức cầu, nội dung cầu xin; (+) kinh ngắm bảy sự đau đớn cùng bảy sự vui mừng ông Thánh Khu Tra; (+) về những ấn do tòa Thánh đã ban cho những kẻ ngẫm bảy sự đau đớn cùng bảy sự vui mừng ông Thánh Khu Tra. (-) Kinh cầu ông Thánh Khu Tra: (+) Kinh dâng mình cho ông Thánh Khu Tra; (+) Kinh cầu xin ông Thánh Khu Tra làm quan thầy cầu bảo cho cả và Thánh I kê di gia. (-) Kinh ông Thánh Khu Tra: (+) kinh cầu cùng ông Thánh Khu Tra cho được nhân đức sạch sẽ; (+) Kinh cầu cùng ông Thánh Khu Tra cho được ăn mày chết lành.
- Đáng chú ý là tại phần ghi số những sách in chữ Nôm An Nam tại Kẻ Sở[10], cung cấp danh mục của 20 sách được ấn hành tại nhà in này (ghi rõ thông tin về tên sách, lần xuất bản, giá bán cho mỗi cuốn sách).
Nhận xét chung: Di sản đề yếu ghi thiếu thông tin tên người san thuật, tên sách viết thiếu và sai. Số trang ghi không khớp với thực tế văn bản.
8. Sách tranguyện các Thánh, kí hiệu VNb.34
a. Di sản đề yếu ghi
4839. SÁCH TRUYỆN CÁC THÁNH (Q12) 冊傳各聖
1 bản in, 236 trang., 20.5 x 13.5, có mục lục.
VNb.34
Tiểu sử và ngày lễ của các vị Thánh đạo Thiên Chúa.
b.Kết quả khảo sát
- Nơi in: nhà in Ninh Phú đường;  Năm in 1909.
- Người biên soạn Giuse Maria cố Kính槎瑪移亞故敬tân biên;Giám mục Phero Maria Đông監牧批瑪移亞東truyền tử.
- Trang 10 dòng, dòng 24 chữ. Tổng 230 trang.
- Nội dung: Sách truyện các Thánh là bộ sách nhiều tập, theo lí thuyết có 12 quyển, mỗi quyển ứng với 1 tháng. Đây thuộc quyển 12 trong bộ Truyện các Thánh (ứng với tháng Chạp). Quyển này (quyển 12), chia thành 31 ngày, mỗi ngày kể chuyện một vị Thánh, tổng có 31 truyện Thánh. ví dụ (-) Ngày mồng 3: ông Thánh Phan chi cô Xavie thầy cả; (-) Ngày mồng 8: ông Thánh Phalato tu hành; (-) Ngày 25: kể về sinh nhật đức chúa Gie Su, tại đây có phụ ghi thêm truyện Bà Thánh tử vì đạo – Thánh A na dốt ta chi á; (-) Ngày 28: các Thánh trẻ chịu chết vì đức chúa Gie Su; (-) Ngày mồng 29: ông Thánh Tume Vitvo tử vì đạo…
    Nhận xét chung: Di sản đề yếu ghi thiếu tên người biên soạn sách; Số trang cũng không khớp so với thực tế văn bản.
9.Lộ Đức Thánh mẫu, kí hiệu VNb.33
a. Di sản đề yếu ghi
4716. LỘ ĐỨC THÁNH MẪU 路德聖母
Giám mục Phê Lỗ Ma Di Á Lương thuật. In lại lần thứ hai, năm 1911.
1 bản in, 382 trang., 20.6
x 13.4, 1 tựa, 1 lời phân bua, 1 mục lục.
VHb.33.
Sự tích và những phép lạ cứu giúp dân của đức Bà ở Lộ Đức, một tỉnh nhỏ thuộc miền Tây Nam nước Pháp, tiếp giáp với nước Y Pha Nho. Phép giữ hang đá, nơi thờ đức Bà, để cho dân chúng đến đọc kinh. Các thế lực địa phương tìm mọi cách phá hang đá này, nhưng không được. Trong hang đá, có mạch nước chữa khỏi bệnh cho nhiều người...
b.Kết quả khảo sát
- Năm ấn hành: in lần thứ 2 năm Thiên chúa giáng sinh 1911
- Phê Lỗ Ma Di Á Lương瑪移亞良 san thuật; Giám mục Phê Lỗ Ma Di Á Đông 監牧批瑪移亞東 biên soạn.
- Kí hiệu thư viện: VNb33 (bản giấy), tại bản điện tử in nhầm thành VHb33
- Phân bổ các trang (trang 10 dòng, dòng 24 chữ) như sau
+ Bìa 2 trang (1-2), tựa: 3 trang (các trang 3,4,5); lời phân bua 1 trang (trang 6); mục lục 10 trang (từ trang 7→16).  Toàn bộ phần này đánh số riêng, gồm 16 trang.
+ Phần nội dung chính 378 trang (từ 1-378)
+ Số sách chữ Nôm tại Kẻ Sở đánh số riêng: 4 trang; tổng cộng 398 trang.
- Sách gồm 55 đoạn (/chuyện) kể về Đức bà:
+ về thành và dân thành Lộ Đức. Mở đầu của đoạn 1 ghi: “Bên mạn tây nam nước Phú Lang Sa, tiếp giáp nước I Ba Nho có một tỉnh nhỏ gọi là Lộ đức giữa tỉnh là cái núi đá và trên núi ấy có xây một đồn. Đời xưa rất vững bền danh tiếng lắm, vì có nhiều lần quân giặc có phá đồn ấy thì cũng không phá được”.
+ Sách tập trung kể về công đức của Lộ Đức Thánh mẫu cứu trợ cho dân: (-) về tích truyện Pha Na Đây Ta khi còn bé cùng về sự đức Bà hiện ra cùng Pha Na Đây Ta lần thứ nhất; (-) về sự đức Bà hiện ra lần thứ hai; (-) kể một phép lạ đức Bà làm trợ một con bé tên là Mã Di Á; (-) về đức Bà làm phép lạ trợ người đàn bà ốm đã gần chết.
- Đáng chú ý là tại phần ghi số những sách in chữ Nôm An Nam tại Kẻ Sở, cung cấp danh mục của 36 sách được ấn hành tại nhà in này.
Nhận xét chung: Di sản đề yếu không ghi tên người biên, ghi nhầm kí hiệu sách. Số trang có sự không ăn khớp giữa bộ thư mục với thực trạng văn bản.
10. Thuật tích việc nước Nam, kí hiệu AB.196
a. Di sản đề yếu ghi
             3625. THUẬT TÍCH VIỆC NƯỚC NAM述跡役渃南
Linh mục Đặng Đức Tuấn 鄧德俊 soạn.
1 bản viết, 56 trang. 31 x 22.
AB.196.
MF.1848.
Tập thơ 6 – 8, nói về tình hình đạo Thiên Chúa ở Việt Nam dưới các thời Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức: Nguyễn Ánh cho Hoàng tử Cảnh học đạo Gia Tô và theo Bá Đa Lộc (Pigneau de Béhaine) sang Pháp xin viện trợ quân sự. Việc cấm đạo dưới thời Thiệu Trị, Tự Đức. Linh mục Tuấn sau khi bị bắt, đã được thả và được tự do giảng đạo…
b. Kết quả khảo sát
Tác phẩm do Đặng Đức Tuấn (1806-1874) ghi lại tình hình Thiên Chúa ở Việt Nam dưới các thời Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức, gắn liền với cuộc đời của cha với sự kiện cha Linh mục Tuấn sau khi bị bắt, đã được thả và được tự do giảng đạo.
- Không có bìa sách.
- Bắt đầu đánh số trang từ trang đầu ghi nội dung chính-tờ 1a. Trang 9 dòng, dòng 19 chữ, tồng có 28,5 tờ, tức 57 trang (mặt) giấy (chưa tính trang bìa đáng phải có). Tại bản photo, bị mất tờ 23, không hiển thị số trang của bản gốc ghi tại mép sách. Vậy nên đã xảy ra hiện tượng như dưới. Xem hình chụp tờ 24a của sách :


11. Bản kinh tụng đọc toàn niên, kí hiệu AB473
a. Di sản đề yếu ghi
             4529. BẢN KINH TỤNG ĐỘC TOÀN NIÊN本經誦讀全年
Giám mục Phanxicô Minh (Pháp) soạn. Đông Kí Hội Đường chuẩn thuật, in năm 1897.
1 bản in, 192 trang, 24
x 15, 1 tựa, 1 mục lục.
AB.473.
Kinh của đạo Thiên Chúa dùng cho giáo dân đọc vào các buổi sáng, tối hàng ngày trong mùa chay.
b.Kết quả khảo sát
1/Bố cục sách
- bìa: mặt trước ghi tên sách: 本經誦讀全年Bản kinh tụng đọc toàn niên. Mặt sau ghi tên người biên soạn: 監牧支姑明Giám mục Phanxicô Minh, năm in: Thiên Chúa giáng sinh 1897 và nhà in: 東記會堂Đông Kí hội đường.
2 /Phân trang
- Bìa không đánh số (1 tờ); Mục lục: 1 tờ, không đánh số.
- Tựa (1a-3a) và nội dung chính (4a-96b) đánh số liên tiếp. Như vậy, nếu tính cả trang bìa, tổng có 98 tờ, nếu tính số trang có chữ Hán thì có tổng là 195 trang. Mỗi trang 8 dòng, dòng 21 chữ, bài tựa: hết trang 3a (tổng 5 trang giấy).
3/Nội dung chính được ghi trong 14 đoạn. Tham khảo tên của một số đoạn kể dưới đây, để hiểu rõ nội dung của tác phẩm:
Đoạn thứ nhất kể những kinh phải đọc về ban sáng mỗi ngày; Đoạn hai kể những kinh phải đọc ban sáng mỗi ngày lễ cả cùng các ngày lễ trọng; Đoạn ba kể những kinh phải đọc giờ cho những ngày đã dạy trong sách lề luật; Đoạn bốn kể những kinh phải nguyện khi ăn cơm cùng cảm ơn khi đã ăn cơm đoạn; Đoạn năm kể những kinh phải nguyện ngày chay khi uống nước bữa tối cùng cảm ơn; Đoạn sáu kể những kinh phải đọc ban tối mỗi ngày; Đoạn bảy kể những kinh phải đọc mỗi ngày thứ bảy; Đoạn tám kể những kinh phải đọc khi thầy cả làm lễ cùng khi có kẻ dọn[11] mình chịu Cô mô nhông[12] cùng cảm ơn khi đã chịu Cô mô nhông đoạn[13]...
Nhận xét chung: Di sản đề yếu ghi số trang không đúng như thực tế văn bản.
12. Sách dẫn đường giữ đạo, kí hiệu VNb.35
a. Di sản đề yếu ghi
4835. SÁCH DẪN ĐƯỜNG GIỮ ĐẠO 冊引塘
Giám mục Phi Li Phê 丕離批thuật. In lần thứ hai tại Ninh Phú đường Hà Nam, năm 1911
1 bản in, 476 trang., 21 x 13, 1 tựa, 1 mục lục. VNb.35
42 điều chỉ dẫn cho người theo đạo Thiên Chúa: phải biết ơn Đức Chúa Lời; không được trái đạo, làm phản. Phải giữ đức tin, giữ lễ, kính yêu Đức Bà.
b.Kết quả khảo sát
- Di sản đề yếu (bản điện tử) ghi thiếu thông tin về tác giả, năm và nhà in
- Khi tiếp xúc với bản chụp của tác phẩm, chúng tôi tìm thấy 1 sự nhầm lẫn thuộc về công tác bảo quản sao chụp tài liệu phục vụ bạn đọc, vậy nên cũng nêu ra ở đây giúp cho độc giả tiện theo dõi,  đó là sách (bản chụp) đóng thiếu các trang 65-80. Cần có kế hoạch để bổ sung các trang dịch này, nếu muốn hạn chế đọc bản gốc.
- Bố cục sách:
- Bìa: 1 tờ. Mặt trước tờ bìa ghi tên sách, tên nhà in và số lần xuất bản: Sách dẫn đường giữ đao, in tại Ninh Phú đường, in lần thứ Hai册引塘, 印在寧富, 𠄩. Mặt sau tờ bìa ghi thông tin về năm in, tên người biên, người san thuật: Thiên chúa giáng sinh 1911, Giám mục Phê rô Maria Đông truyền tử, Phi Li Phê Cố Chính Trung san thuật 天主降生一千九百十一歲, 監牧批嚕瑪移亞東傳梓, 丕離批故正忠刪述 (Di sản không ghi tên người biên soạn).
- Mục lục 8 trang, Phần này đánh số trang riêng.
- Sau mục lục là bài tựa 3 trang. Phần mở đầu bài tựa ghi tên sách là Sách dẫn đường giữ đạo cho nên 册引塘道朱年. Tựa và nội dung đánh số trang liên tục, tổng có 476 trang. Như vậy, tổng trang cho toàn tác phẩm là 476 + 8 + 1= 485 trang (Di sản đề yếu ghi có 476 trang)
Kết quả khảo văn bản, thấy: sách phân thành 26 đoạn, trong các đoạn có thể có các điều nhỏ. Ví dụ đoạn 1 (dạy về ân đức chúa Trời là sự tốt lành là thế nào cùng về những ích trọng bởi đi đường nhân đức và làm nhiều việc lành mà ra nữa) có 2 điều: 1/Dạy về ân đức chúa Trời là đí[14] gì và có tiết là thế nào; 2/Giảng về của cực trọng ta được ăn mày khi làm việc lành phúc đức đương có ân đức chúa Trời trong linh hồn là khi ta đương sạch tội và đương có nghĩa cùng đức cháu Trời…
Sau đây lược ghi tên một số đoạn trong tác phẩm: Đoạn thứ nhất: dạy về ơn đức chúa Trời là sự tốt lành cùng về những ích trọng bởi đi đường nhân đức và làm nhiều việc lành mà ra nữa; Đoạn hai: dạy về sự làm dấu câu rút; Đoạn ba: dạy phải giữ cho vừa phải cùng phải thức dậy sáng ngày cho mau là thế nào; Đoạn bôn: dạy về việc kẻ có đạo phải làm khi vừa thức dậy cùng khi mặc áo; Đoạn năm: giảng về kinh nguyện phải đọc khi thức dậy sáng ngày; Đoạn sáu: dạy về nước Pháp; Đoạn tám nói về dấu các Thánh; Đoạn chín dạy phải có ý ngay lành mà làm các việc mình phải làm mỗi ngày ...
Trong mỗi đoạn có thể còn chia nhỏ ra các điều. Ví dụ, tại:
- Đoạn hai : dạy về sự làm dấu Câu rút[15], có các điều
+ dạy về thói cũ lâu đời quen làm dấu câu rút khi mới tra tay làm việc cùng khi làm việc đoạn, nhất là trước khi ăn cơm cùng khi ăn cơm đoạn;
+ về dấu câu rút trợ ta cho khỏi sự dữ cùng chước ma quỷ và được nhiều sự lành
- Đoạn mười ba dạy về lễ Mi sa[16], có các điều
+ về lễ Mi sa là đí gì và sinh ra những ích gì
+ dạy phải ở nghiêm trang và có ý khi xem lễ Mi sa
    Nhận xét chung: Di sản đề yếu ghi thiếu thông tin người biên soạn, ghi sai số trang.
13. Sách dẫn đường nhân đức, kí hiệu AB.537
a. Di sản đề yếu ghi
4836. SÁCH DẪN ĐƯỜNG NHÂN ĐỨC 冊引塘仁德
Thánh Phan chi cô 潘支姑soạn, Giám mục Khu sai cô Mi 樞楂故美chép và in năm 1878.
1 bản in, 448 trang., 27 x 15, 1 tựa, 1 mục lục.
AB.537
Kinh Thánh gồm 14 đoạn, dạy con chiên thờ Đức Chúa Lời, làm điều nhân đức, thương người, không phản lại Chúa.
b.Kết quả khảo sát
 - Di sản đề yếu (bản điện tử) ghi thiếu thông tin về tác giả, năm và nhà in.
- Di sản đề yếu bản giấy ghi sai số trang, dung lượng sách; ghi Kinh Thánh gồm 14 đoạn. Tuy nhiên khi khảo thực tế, thấy riêng quyển 1 có 14 đoạn. Như vậy bộ Thư mục này đã không tính đến số trang của 4 quyển còn lại?
- Bố cục của sách
+ Bìa: 1 tờ, tại mặt trước trang bìa, ghi tên sách: Sách dẫn đường nhân đức冊引塘仁德, nhưng tên sách ghi tại gáy sách là Sách ông Thánh Phan Chi Cô冊翁聖支姑. Để tìm hiểu lí do của việc tên sách ghi tại trang bìa và gáy sách khác nhau có thể tìm thấy tại Mở đầu trang tựa, có ghi dòng Sách ông Thánh Phan Chi Cô Đê Sa Lê là vít vồ nước Pha Lang Sa[17] dạy những lẽ cao ý sâu nhiệm cùng êm ái dịu dàng về sự mở đường cho được sinh năng nắn[18] thờ phụng đức chúa Trời cho tròn. Như vậy, tên trên trang bìa thể hiện nội dung của sách, còn tên tại gáy sách cho biết tác giả của sách.
Mặt sau trang bìa ghi tên người biên soạn, năm in sách và tên người san thuật, lần lượt là Giám mục Bảo Lộc Phanchico Phúc truyền tử, Thiên chúa giáng sinh nhất thiên bát bách thất thập bát tải, Khu tra cố Mĩ san thuật監牧保祿潘支姑福傳梓, 天主降生柒拾捌, 樞楂故美.
+ Mục lục 2 tờ[19]: 5 trang (q1+q2: đến hết đoạn 2), Tựa: 15 tờ,
+ Nội dung chính đánh số trang tiếp theo: tờ số 16
Quyển 1 (16-55): có 14 đoạn, từ tờ 16-55; nội dung dạy kẻ mới muốn cùng còn toan liều ở sinh năng nắn thờ phụng đức chúa Trời cho biết một hai lẽ phải cứ, cùng một hai việc phải tập tành cho được dốc lòng ra sức ở sinh năng nn làm vậy.
Trong đoạn 8 có các bài ngắm, ví dụngắm điều thứ bốn về tội, ngắm điều thứ năm về sự chếtngắm điều thứ sáu sự phán xét …
Xếp lẫn 1,5 tờ (3 trang) của phần mục lục sau tờ 55 (hết đoạn 14) là mục lục của quyển 2 bắt đầu đoạn 3 đến hết quyển 2 (đoạn 21)
Tổng trang mục lục của quyển 1 và quyển 2 là 3,5 tờ, tức 7 trang giấy.
Quyển 2 (1-35): dạy cho biết những lẽ để mà nguyện ngắm cùng chịu các phép Sa ca ra men tô[20] cho nên cho được nghĩa cùng đức chúa Trời một ngày một vững bền hơn nữa (35 tờ; 21 đoạn);
Mục lục quyển 3, quyển 4 và quyển 5: 4 tờ;
Quyển 3 (1-83): dạy những lẽ về sự tập các nhân đức (83 tờ; 34 đoạn);
Quyển 4 (1-27): dạy cho biết những lẽ phải cứ cho được khỏi các chước ba thù khóc thế gian cùng ma quỷ và xác thịt thường dùng để mà cám dỗ người ta(27 tờ; 11 đoạn);
Quyển 5 (1-13): dạy những lẽ phải cứ cùng những việc phải tập làm mỗi một năm một lần cho được lòng vững vàng giữ cho trọng những sự đã dốc lòng (12,5 tờ; 14 đoạn).
Bảng 2: Hiện trạng đóng quyển Sách dẫn đường nhân đức
tt
tt tờ
Mục/quyển
Tổng

Ghi chú
Tờ
trang
1

bìa
1
2
Tên sách, người biên, năm in
2
1-2
Mục lục
2
4
Quyển 1 (đoạn 1-14), 2 (đoạn 1-2)
3
1-15
Tựa
15
30

4
16-55
Quyển 1
55
110
14 đoạn; trong đoạn 8 có 10 điều ngắm
5
3-4
Mục lục
1,5
3
Quyển 2 (đoạn 3-21)
6
1-35
Quyển 2
35
70
21 đoạn
7
1-4
Mục lục q3, q4 và q5
4
8
Q3 (34 đoạn), q4 (11 đoạn), q5 (14 đoạn)
8
1-83
Quyển 3
82,5
165

9
1-27
Quyển 4
27
54

10
1-13
Quyển 5
12,5
25

Tổng
235,5
471
Bìa 2; mục lục 15, tựa: 30; nội dung 424
Từ các khảo cứu hiện trạng văn bản, chúng tôi thấy:
- Sách gồm 5 quyển. Mỗi quyển có đánh số trang biệt lập. Trước đây sách được đóng thành 2 tập (quyển, theo cách gọi ngày nay) riêng biệt. Tập 1 gồm quyển 1 và 2; 2 quyển này có chung phần mục lục đặt ở trước, trước khi đi vào nội dung chính của từng quyển. Cũng vậy, tập 2 gồm các quyển 3,4 và 5; cả 3 quyển này có chung mục lục đặt ở phía trước, trước khi đi vào nội dung chính.
         - Khi nhân bản phục vụ độc giả, cả 2 tập (5 quyển) này được đóng chung thành 1 sách, mang kí hiệu AB537. Đáng tiếc, không hiểu vì lí do gì, sách đã bị đóng lộn, khó theo dõi. Nay đề nghị được sắp xếp lại theo tuần tự như sau: 1,2,5,3,4,6, 7,8,9,10 (thứ tự đặt tại cột 1 trong bảng nêu trên).
Vài lời kết
Kết quả khảo sát tư liệu sách Nôm có nội dung Công giáo hiện đang lưu giữ tại VNCHN, kết hợp đối chiếu với các bộ Thư mục đang được sử dụng rộng rãi (gồm Di sản đề yếu bản giấy đã ấn hành năm 1993 và bản điện tử đăng tải trên trang web của VNCHN), có thể đưa ra một vài nhận định sơ bộ sau:
1/Các thông tin cần chỉnh sửa thêm cho bộ Di sản đề yếu:
+ Di sản đề yếu (bản giấy): 1/số trang sai lệch so với thực tế: 8 tác phẩm Nôm; 2/thiếu thông tin: 2 tác phẩm; 3/ Thiếu thông tin về năm, tên người viết: 1 tác phẩm (Hội đồng tứ giáo);
+ Di sản đề yếu (bản điện tử): 1/Sai kí hiệu sách: 1 tác phẩm, 2/thông tin về tác giả, năm nhà in: 1 tác phẩm;
+ Đặc biệt, Sách dẫn đường giữ đạo, sự thiếu chính xác thể hiện luôn ở cả 2 bộ Thư mục (bản giấy và bản điện tử): Bản điện tử ghi thiếu thông tin về tác giả, năm và nhà in; Bản giấy ghi sai số trang, dung lượng sách: ghi “Kinh Thánh gồm 14 đoạn”. Tuy nhiên, trên thực tế, riêng quyển 1 đã có 14 đoạn.
2/Sơ xuất do công tác bảo quản sao chụp tài liệu: photo thiếu: thể hiện ở 1 tác phẩm, đóng lộn trang sách: thể hiện ở 1 tác phẩm.
3/Từ việc khảo sát văn bản, chúng tôi được biết thêm số sách có nội dung công giáo được in tại Kẻ Sở còn lưu lại trong dân gian khá nhiều: 56 đầu sách.
4/Sách Thuật tích việc nước Nam (bản photo phục vụ bạn đọc) bị mất tờ 23a,b. Số trang bản gốc do photo không rõ, nên cán bộ bảo quản đã ghi lại số trang (ví dụ tờ 23a,b ứng với trang 45-46 ghi ở giữa trang sách của bản gốc). Chúng tôi đề nghị: khi nhân bản, cần: 1/ cố gẳng chụp được phần hiển thị số trang; hoặc 2/nếu vì lí do gì nào đó không hiển thị được số trang của bản gốc, thì cán bộ bảo quản cần ghi lại số trang đúng theo số trang đã ghi tại mép sách của bản gốc.
Có thể thấy, lâu nay công tác điều tra, lên thư mục sách HNCG chưa được thực hiện thấu đáo. Kết quả khảo sát lần này sẽ giúp đính chính sai sót cho bộ Di sản đề yếu, cho công việc sao lưu văn bản, cũng như cung cấp danh mục sách còn rải rác trong dân gian. Từ đó có kế hoạch triển khai các công việc nghiên cứu và phục vụ nghiên cứu tiếp theo./.
_______________________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO CHÍNH

A Tài liệu tiếng Việt
1. Lã Minh Hằng (2013),Vài nét về tư liệu Hán Nôm công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm”, Thông báo Hán Nôm học, Nxb Thế giới, Hà Nội, trang.250-260.
2. Lã Minh Hằng (2016), Giáo sĩ phương Tây và các tư liệu Hán Nôm lưu tại Việt Nam”, Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh, Bắc Kinh (bài viết bằng tiếng Trung Quốc).
3. Trần Nghĩa và Francois Gros (1993), Di sản Hán Nôm Việt Nam-Thư mục đề yếuCatalogue Des Livres En Han Nom,  Éditions Sciences Sociales, Hanoi.
4. Di sản Hán Nôm Việt Nam-Thư mục đề yếu (bản điện tử) tại địa chỉ : http://www.hannom.org.vn/default.asp?CatID=131
B Tài liệu Hán Nôm (tham khảo và đối chiếu)
5. gồm 25 tác phẩm HNCG hiện lưu tại Thư viện VNCHN

 
Truyện ông Thánh Inaxu, bản lưu tại Thư viện Quốc gia Pháp

 Ảnh chụp sách Thuật tích việc nước Nam, bẩn lưu tại Thư viện VNCHN


[1] Lã Minh Hằng (2013) “Vài nét về tư liệu Hán Nôm công giáo tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm”, Thông báo Hán Nôm học, tr.250-260, đưa ra số lượng 25 tác phẩm HNCG lưu tại kho của VCNHN. Trong số đó có 14/25 tác phẩm được viết bằng chữ Nôm.
[2] Trần Nghĩa và Francois Gros (1993), Di sản Hán Nôm Việt Nam-Thư mục đề yếuCatalogue Des Livres En Han Nom,  Éditions Sciences Sociales, Hanoi
[3] Gồm: mười hai điều trong kinh tín kính, 2/bảy phép cực trọng gọi là 7 phép sacaramento, 3/mười sự răn đức chúa Trời đã phán cùng là như 10 bậc thang phép cứ cho được lên thiên đàng, 4/kinh tại thiên chỉ về ơn đức chúa Trời ban cho ta được giữ đạo nên 1/𨒒𠄩調𥪞經信敬, 2/ 法極重噲法沙歌囉綿蘇, 3/羅𨒒德主𡗶㐌判拱如𨒒𨀈湯沛據朱特𨖲天堂, 4/經在天指𧗱恩德主𡗶頒𢧚.
[4] Chúa Lời: chúa Trời.
[5] Bộ Di sản đề yếu (bản điện tử) load trên trang web của VNCHN không có cuốn sách này.
[6] Tác phẩn mày có cả bản ghi bằng chữ Hán.
[7] Di sản đề yếu (bản giấy) và phần load trên trang web của VNCHN (bản điện tử) đều không ghi tên người san thuật.
[8] Nội dung đoạn mở đường ghi rõ mục đích biên soạn và đại ý của tác phẩm: Người làm sách này có ý giúp đỡ kẻ đã chết và làm ích cho kẻ còn sống. Hết mọi người có đạo ai nấy đều biết tỏ lời kẻ sống cầu nguyện thi giúp đỡ kẻ chết những mà chẳng mấy người biết kẻ chết, hay cầu bảo cho kẻ sống, nghĩa là không mấy người biết các linh hồn nơi lửa giải tội có thần thế trước mặt đức chúa trời và hay báo ân trả nghĩa kẻ cầu nguyện cho mình, cho nên it kẻ cậy trông các linh hồn ấy cầu bảo cho mình. 𠊛濫冊尼固意執拖几㐌𣩂益朱𤯩。歇每𠊚固道埃乃調別訴𠳒几𤯩求願時執拖几𣩂仍麻庄買𠊚別几𣩂。咍求保朱几𤯩。義空買𠊚別各靈魂坭焒解罪固神勢略𩈘德主𡗶,吧咍報恩把義几求願朱命,朱年𠃣几忌籠各靈魂𧘇求保朱命
[9] Không tìm thấy sách này trong  Di sản đề yếu (bản điện tử, đăng trên trang web của VNCHN)
[10] Phần ghi tên sách kẻ Sở ghi ngay sau 4 trang mục lục.
[11] Dọn (từ cổ): chuẩn bị, sửa soạn
[12] Comunhão, Communio được ghi: cô mô nhung姑模戎 , phiên âm  Hán Việt cô mô nhông, với nghĩa “hiệp thông thánh lễ, chịu mình thánh Chúa, rước lễ”.
[13] Đoạn (từ cổ): xong, hết
[14] Đí (từ cổ): cái; Đí gì: cái gì.
[15] Câu rút thánh giá, thập giá, thập tự
[16] Lễ Mi sa: lễ tạ ơn, là lễ cao trọng nhất, có giá trị tiêng liêng cao nhất trong đạo Công giáo.
[17] Pha Lang Sa: phiên âm của France.
[18] Năng nắn (từ cổ): siêng năng
[19] Theo cách tính đếm trang sách Hán Nôm, tính theo số tờ (a và b, mặc dù trang b không có chữ nhưng vẫn tính tròn tờ). Tại đây, chúng tôi quan tâm đến số mặt trang có in chữ Hán, Nôm, nên đã tính đến số lẻ của tờ. Đây chỉ là cách tính riêng cho phần khảo này.
[20] Sa ca ra men tô: Bí tích giải tội (Bí tích hòa giải)


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét