Thứ Hai, 7 tháng 8, 2017

BIỂN ĐÔNG NGÀY 07 - 08 - 2017 CÓ GÌ MỚI?

 
Ảnh minh họa: Minh Hoàng/ Zing


Tin Biển Đông ngày 07 - 08 - 2017

Tiếng Dân tổng hợp


Truyền thông trong nước cho biết, sáng hôm qua, một tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đã bị “tàu lạ” đâm chìm, tại vị trí cách Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu, khoảng 48 hải lý về phía tây nam, cách mũi Vũng Tàu khoảng 150 hải lý về phía nam tây nam. Tám người trên con tàu bị rớt xuống biển, 7 người được cứu sống, riêng chủ tàu kiêm thuyền trưởng Trương Công Ơn thì mất tích.

Mời đọc thêm: Thông tin mới vụ tàu cá của ngư dân Bình Định bị tàu lạ đâm chìm (ĐV). Bị tàu lạ đâm chìm, 1 ngư dân trên tàu cá BĐ 40482 TS mất tích trên biển (Bộ GTVT). Trích: “Thuyền trưởng Trương Công Ơn sinh năm 1970, hiện đang thường trú ở thôn 9, xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, Tỉnh Bỉnh Định làm chủ kiêm thuyền trưởng tàu cá BĐ 40482 TS hành nghề câu tay“.


Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có bài: CSVN lấp liếm về hiện trạng Biển Đông. Tác giả đối chiếu chuyện công ty Repsol rút giàn khoan trên thực tế, mặc dù không có tuyên bố chính thức nào từ phía Trung Quốc, cũng như tuyên bố chung chung của người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN, cho thấy sự mập mờ, không rõ ràng của lãnh đạo CSVN trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đất nước.


Ông Tuấn viết: “Không cần biết kẻ chủ trương ‘rút lui’ là ai, Nguyễn Phú Trọng và Ngô Xuân Lịch, hay là những ai khác nữa. Trách nhiệm làm mất lãnh thổ, mất chủ quyền… tại những nơi thuộc về VN, từ nền tảng lịch sử cho tới căn cứ pháp lý không thể phản biện, là do đảng CSVN“.


Cuối cùng thì các nước ASEAN cũng đã ra thông cáo chung dài 46 trang, tại hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50. GS Carl Thayer có bài, bản thảo Tuyên cáo chung của ASEAN về Biển Đông: Có phải Việt Nam đã bị cô lập? Nhưng TTXVN có bài viết của TS Trần Việt Thái, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, thuộc Học viện Ngoại giao: Nguyên tắc đồng thuận đã tạo nên bản sắc của khối ASEAN.


Mọi người đều biết, ASEAN là một tổ chức rời rạc, cho dù thành lập đã 50 năm, nhưng ASEAN khó kết hợp để tạo ra sức mạnh, đưa ra những quyết định có ảnh hưởng đối với các vấn đề cấp khu vực và quốc tế. Nắm được điểm yếu đó, Trung Quốc luôn tìm cách chia rẽ ASEAN, bằng cách tách từng chiếc đũa ra khỏi “bó đũa” ASEAN để bẽ gãy. Trước tiên là Campuchia, rồi Lào, Malaysia, Philippines, Brunei… đều bị TQ sử dụng sức mạnh mềm để chia rẽ.


Không có cái gọi là “nguyên tắc đồng thuận vốn đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong quá trình hình thành và phát triển của ASEAN, là nền tảng then chốt cho sự hợp tác của Hiệp hội trong nhiều thập kỷ qua. Đây là nguyên tắc gốc nhằm đảm bảo không một quốc gia thành viên nào bị gạt ra ngoài lề trong những vấn đề quan trọng…”, như lời TS Trần Việt Thái nói.




Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét