Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Trần Ngọc Đông: TẤC GANG HƯƠNG QUỐC NGƯỜI TRI KỶ



Trần Ngọc Đông

‘Đường thi Quốc âm Cổ bản’ với tên sơ kỳ là ‘Thơ Đường qua các bản dịch cổ nhân’ là tên cuốn sách của NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh mới ấn hành đầu năm 2017 do TS Nguyễn Xuân Diện và tôi cùng đứng tên biên soạn. 

TS Nguyễn Xuân Diện là người làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây là người am hiểu Hán Nôm và cổ nhạc được nhiều văn nhân trong Nam ngoài Bắc biết tới. Tôi vốn đã biết anh từ những năm còn anh viết blog yahoo chuyên đặc khảo về ca trù và văn hóa, dễ đã đến 10 năm, song ít được gặp mặt, mãi đến gần đây sau những buổi điền dã đình làng , hai anh em có dịp gặp nhau nhiều hơn. 

Trong các buổi điền thăm ở đình làng, mọi người thường được anh kể chuyện về văn hóa cổ truyền Bắc Bộ. Tôi đã nghe trong các câu chuyện ấy và cảm nhận được nỗi niềm đau đáu của người hoài cổ với nên văn hóa dân tộc, với những trăn trở về sự lãng quên, mất mát trong cuộc sống bây giờ.

Làng tôi xưa vốn thuộc xứ Đoài, quê anh lại ở gần thành Sơn Tây, tỉnh lỵ của xứ Đoài nên có lại càng có nhiều câu chuyện kể về miền đất ấy, nay tuy địa chính đã thay đổi theo tỉnh mới đã trên trăm năm, trong dân gian ít người còn nhớ, nhưng những người hiếu cổ thì vẫn coi nhau như đồng hương vậy.

Soạn giả Trần Ngọc Đông trong bộ quốc phục đón Xuân
Đầu năm trước , anh có nhã ý mời tôi cùng hoàn thành một cuốn sách anh vốn ấp ủ từ lâu, hỏi thêm thì biết là sách biên tập khảo cứu về Hán Nôm. Tôi vốn không được học chuyên ngành xã hội, chữ Hán cũng chỉ ăn đong, chẳng qua vì lòng hiếu cổ mà thời trẻ thường lân la đến các lớp học chữ Nho miễn phí ở làng ven đô vào mỗi chiều chủ nhật. Khi thầy mất thì cũng bỏ ngang nên giờ bập bõm. Rồi lại đến lúc lo chuyện cơm áo vợ con mà sao nhãng việc học hành, ít khi động đến bút sách. Chính bởi vậy, nên bản thân ban đầu cũng đắn đo và e ngại, chỉ sợ rằng mình không làm được thì hỏng việc mất thời gian của anh mà thôi. 
 
Nhưng lại anh được nói thêm: đó là tư liệu quý bằng chữ Nôm là bản dịch thơ Đường của các nhà Nho nước ta khi xưa, đặc biệt có những bản của các nhà thơ nổi tiếng như Tú Xương, Dương Lâm …Điều đó làm tôi thực sự cảm thấy bị lôi cuốn và tò mò muốn biết ra sao. Bởi bấy lâu chỉ từng nghe và đọc Đường thi qua những bản dịch dịch giả hiện đại như Tản Đà, Trần Trọng Kim, Ngô Tất Tố, Khương Hữu Dụng và chưa bao giờ biết tới ông Tú tài Vị Xuyên hay cụ Vân Hồ Dương Lâm dịch thơ Đường . Hơn nữa, càng thú vị hơn, khi nguyên bản của các bản dịch đều là chữ Nôm, đến nay chưa có người khảo cứu và phiên âm ra Quốc ngữ. 

Tất cả có 6 bản dịch chữ Nôm cổ được hai anh em cùng khảo, bản thì viết chân phương dễ đọc, bản thời viết lối hành thảo không dễ dàng gì luận được. Công việc ròng rã suốt mấy tháng trời vẫn chưa xong , bởi lẽ văn nhân xưa đều là người biết chữ Thánh hiền, với Thơ Đường đọc hiểu ngay nguyên bản chữ Hán nên dịch Nôm là để lấy lạc thú, vì thế nhiều bài dịch thoát, không theo nghĩa gốc. Hai anh em đành phải lần giở từng trang các bộ Đường thi nguyên tác tìm lại bài tương ứng. Hơn nữa, trong khoảng hơn 100 năm trước người Việt dùng từ cũng ít nhiều có khác với bây giờ, có các từ cổ tôi chưa từng nghe. Lại nói, chữ Nôm cũng nhiều chữ lắt léo không theo quy tắc hay có trong tự điển nào cả đều làm tiêu tốn thời gian đọc dịch. Tuy nhiên, anh đều lần lượt giải hóa, mỗi lần xong cả hai đều vui sướng và thở phào như có đáp án của một bài toán khó. Lần hồi, cả thảy 279 bài thơ viết chữ Nôm trong 6 quyển sách cổ đều được phiên âm trọn vẹn ra Quốc ngữ cùng phân tích khảo cứu. Từ lúc đánh máy, vẽ chữ Nôm, đến lúc sửa bản in bông, chúng tôi không nhớ đã sửa bao nhiêu lần. Lúc này, công việc thường ngày ở sở cũng bận lắm, thường về nhà khi đêm đã về khuya, nên chỉ tranh thủ hoàn thiện mà thôi. Phía nhà xuất bản có anh Trần Ban là người biên tập, rất nhiệt tình nên việc in ấn được sắp xếp trước Tết âm, cũng là tâm nguyện cả ba người, mong muốn hoàn thành làm giai phẩm cho năm mới. 

Cuối cùng, tối ngày 18 tháng chạp anh Diện nhận được sách liền chuyển gấp cho tôi. Thấp thỏm cả đêm đến, sáng hôm sau tôi được tận tay cầm cuốn sách còn thơm mùi giấy mới. Sách đẹp, giấy trắng, chữ in rõ ràng. Thực tình, không phải chủ quan, chưa bao giờ được cầm cuốn sách nào in chữ Nôm đẹp như thế (chữ Nôm Khải). Thực tình không biết cảm ơn các anh để đâu cho hết. Tuy chỉ là cùng làm để mong được học hỏi và thỏa lòng hiếu cổ vậy mà cũng có lúc có được niềm vui khó tả như vậy. Đêm đông, uống chén trà nóng lại mong sớm gặp lại các sư huynh nên mượn câu thơ Tú Xương dịch thơ Trương Vị mà ngâm nga: 

不用開書帙
偏宜上酒樓
故人京洛滿
何日複同遊

Bất dụng khai thư trật,
Thiên nghi thướng tửu lâu.
Cố nhân Kinh Lạc mãn,
Hà nhật phục đồng du. 

Sách dịch: 

Ngang dọc quyển vàng đành gác giá,
Đầy vơi chén ngọc gượng lên lầu.
Tấc gang hương quốc người tri kỷ, 
Thấm thoắt ngày thu những ước ao. 
 
Hương Canh Tháng Giêng năm Đinh Dậu.
T.N.Đ

1 nhận xét :

  1. Học giả Trần Ngọc Đông cho thấy rằng với một việc khó khăn đến mấy, như thể đội đá vá trời, nhưng với lòng yêu nước và tri ân tiền nhân thì vẫn có thể thực hiện được điều mình ấp ủ.
    Thế mà các bác nhà mình trong tay có nhiều phương tiện lại nắm giữ vị trí quyết định sinh mệnh quốc gia nhưng chỉ vác về những tai ương, khốn khổ cho người dân, chẳng hạn như con quái vật Fomosa, là sao? Là vì các bác ấy không có lòng yêu nước! thế thôi!

    Trả lờiXóa