Thứ Bảy, 15 tháng 2, 2020

Xuân Diện: HỘI CHÈO LÀNG ĐẶNG & CHÈO CỔ QUAN ÂM THỊ KÍNH


Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian đặc sắc của Việt Nam. Hình thành và phát triển ở phía bắc Việt Nam mà trọng tâm là châu thổ Bắc Bộ. Nghệ thuật Chèo gắn liền với sinh hoạt văn hóa tinh thần nông thôn. Chèo sân đình trải qua quá trình sàng lọc, chắt chiu của nghệ nhân dân gian tứ chiếng Đông – Nam – Đoài – Bắc đã trở thành một bộ môn nghệ thuật đặc sắc, thuần Việt.

Quan Âm Thị Kính là một vở chèo đặc biệt, được đông đảo nhân dân say mê và không ngừng được các thế hệ nghệ nhân chỉnh lý, bồi đắp. QATK bắt nguồn từ một tích truyện, lưu truyền trong dân gian, và sau đó được văn bản hóa bằng một truyện Nôm khuyết và được khắc ván bán rộng rãi trong nhân dân.


Nhân dịp đầu xuân, khi khắp các làng mở hội xuân, TS. Nguyễn Xuân Diện hầu chuyện quý vị về "Hội chèo làng Đặng" và Chèo cổ Quan Âm Thị Kính", phát trực tiếp trên FB Nguyễn Xuân Diện:


 

THỊ MẦU TẤN CÔNG TIỂU KÍNH TÂM QUA BA GIAI ĐOẠN

Ăn no rồi lại nằm khoèo
Nghe giục trống chèo, bế bụng đi xem.
 

(Ca dao)

Từ xa xưa, mỗi khi các làng mở hội xuân, vẫn thường có diễn chèo. Các vở chèo cổ đã đi vào tâm thức dân gian. Nào Lưu Bình Dương Lễ (có màn tiễn Châu Long - Quân tử vu dịch), nào Xúy Vân giả dại (có đoạn Phù thủy sợ ma nổi tiếng). Nào Chu Mãi Thần (có trích đoạn Tuần ty Đào Huế cay như gừng)...Nhưng đặc sắc và được nhiều người nhớ là trích đoạn Thị Mầu lên chùa trong vở chèo cổ Quan Âm Thị Kính.

Sự tích:

Về sự tích này, có tài liệu cho rằng có nguồn gốc từ Cao Ly, Đức Quan Thế Âm Bồ Tát đã đầu thai xuống trần tu hành được 9 kiếp rồi, đến kiếp thứ 10, Ngài giáng sanh vào nhà họ Mãng ở nước Cao Ly.

Tại Việt Nam, sự tích Quan Âm Thị Kính được lưu truyền trong dân gian Việt Nam từ lâu qua nghệ thuật hát chèo, cải lương, kịch, truyện thơ và truyện văn xuôi. Vở chèo Quan Âm Thị Kính ra đời trước, sau đó mới tới truyện thơ rồi chuyển thể qua kịch ảnh. Truyện thơ Quan Âm Thị Kính chưa biết đã được sáng tác vào năm nào và do ai sáng tác, chỉ biết bản in đầu tiên bằng chữ quốc ngữ do Nguyễn Văn Vĩnh ấn hành năm 1911. Bản này gồm có 788 câu thơ lục bát và một lá thư của Kính Tâm viết cho cha mẹ.

Nội dung tóm tắt:

Mãng Ông có con gái là Thị Kính đến tuổi lấy chồng, song chưa gả cho ai. Thiện Sĩ, học trò, dòng dõi thi thư, đến xin làm rể. Ông bằng lòng cho họ nên vợ nên chồng. Ở nhà Thiện Sĩ chăm chỉ học bài, Thị Kính bên cạnh miệt mài vá may. Đến đêm khuya chàng mệt, ngả lưng yên giấc. Nhìn cằm chồng có chiếc râu mọc ngược, sẵn có dao bén, nàng cầm lấy, định dùng để xén nó đi. Bất ngờ Thiện Sĩ choàng tỉnh thấy thế gạt tay vợ, đứng dậy hét toáng lên thất thần. Mẹ chồng chạy vào, nghe con trai kể, tưởng là con dâu định giết chồng, bèn mắng chửi và đuổi về nhà cha mẹ đẻ. Nàng nghĩ thương thân xót phận đành thay dạng nam nhi, xin vào chùa đi tu, được Sư Cụ nhận lời, đặt cho hiệu là Kính Tâm.

Trong làng có Thị Mầu con của một vị trưởng giả giàu có ở vùng ấy, thấy tiểu Kính Tâm đẹp người tốt nết, liền tìm mọi cách dụ tiểu xiêu lòng. Bị cự tuyệt Thị Mầu thất tình về nhà dan díu với anh lực điền. Phú ông bắt gặp, sợ mang tiếng với dân làng hàng xóm bèn cho tiền và đuổi anh ta ra khỏi làng.

Thị Mầu mang thai bị làng ngả vạ và bị gọi ra tra hỏi, thị chối quanh nhưng về sau lại đổ cho Kính Tâm. Làng mời Sư Cụ và Tiểu Kính đối chất. Tiểu một mực kêu oan, nhưng Mầu cứ đổ riệt, Kính Tâm bị làng đem ra tra tấn, đòn bộng, máu đổ thịt rơi, mấy lần bất tỉnh, nhưng Kỉnh Tâm vẫn một mực kêu oan. Sư Cụ động mối từ tâm, đứng ra xin bảo lãnh cho trò để đem về khuyên nhủ dạy răn.

Thị Mầu sinh con mang trả nhà chùa. Tiểu Kính nhớ câu Phật dạy "Cứu nhất nhân đắc kì vạn Phúc" nên ẵm về nuôi. Hàng ngày Tiểu bế trẻ đi khắp nơi xin sữa nuôi dưỡng. Ròng rã 3 năm, sức tàn lực kiệt, tiểu viết thư để lại cho cha mẹ rồi hoá. Sau đó mọi người mới hay Tiểu là gái. Nhà chùa lập đàn giải oan cho nàng siêu sinh tịnh độ...

 Quan Âm Thị Kính chùa Mía (Đường Lâm). Ảnh: Internet.

Và trong lúc trà tỳ mọi người đều trông thấy một vầng hào quang ngũ sắc trên bầu trời và trên vầng hào quang là một toà sen nhiều cánh có hình ảnh Bồ Tát Kính Tâm.
(Theo từ điển Wikipedia)

Trích đoạn Thị Mầu lên chùa là một trích đoạn đặc sắc. Ở đó hát, múa, diễn được kết hợp nhuần nhuyễn. Vai diễn Thị Mầu là một trong những vai mẫu của Chèo cổ, mà bất cứ nữ sinh Khoa Kịch hát dân tộc (trước gọi Khoa Chèo) nào cũng phải học.

Xem qua, chúng ta chỉ thấy một Thị Mầu khao khát yêu đương, khao khát tình yêu và nhục cảm. Ta thấy Thị Mầu mặc yếm đào rực lửa tình, nàng khoác chiếc áo màu hồng xác pháo rạo rực xuân thì. Những bước chân thoăn thoắt đi theo câu hát và tiếng nhạc rộn ràng. Và đôi mắt nàng, lung la lúng liếng. Chiếc quạt của Thị Mầu là một đạo cụ diệu kỳ như cánh bướm xuân, như chiếc chìa vôi (khi nàng hát câu Cau non tiễn chũm lòng đào rồi chỉ vào ngực nàng - khuôn ngực mà Ca dao nói: Hỡi cô có cái chũm cau, Anh búng một cái có đau anh đền!)...

Thị Mầu đã tấn công Tiểu Kính Tâm - người con gái giả trai nương nhờ cửa Phật - qua ba giai đoạn:

Giai đoạn 1: Thấp thoáng từ đằng xa. Thị Mầu chỉ thấy Kính Tâm từ xa. Vòng múa của cô còn xa cách Kính Tâm, vòng múa rộng, bước khoan thai, câu hát cũng khoan thai. Thị Mầu vẫn còn giữ "lịch sự" với Kính Tâm.

Giai đoạn 2: Xa không được, Thị Mầu sáp lại. Kính Tâm vẫn cứ "vô tâm" với mình, làm cho Thị Mầu tức lắm. Nàng hát câu:

Thầy Tiểu ơi
Thầy như táo rụng sân đình
Em như gái dở đi rình của chua

Rồi nhặt một quả táo rụng (hay hòn sỏi nhỏ ở sân chùa) ném về phía Tiểu Kính Tâm. Theo phản xạ, Kính Tâm đưa mắt lại. Bốn mắt gặp nhau. Thị Mầu choáng trong phút giây gặp gỡ đó. Vòng múa của cô gần lại với Kính Tâm, bước chuyển của đôi chân đã gấp hơn, cô không còn đi bằng bàn chân mà đã đi bằng nửa bàn chân, câu hát cũng thôi khoan thai. Thị Mầu đã đánh rơi sự "lịch sự" với Kính Tâm.

Giai đoạn 3: Thị Mầu áp sát Tiểu Kính Tâm, thấy cái cổ trắng ngà của Tiểu Kính Tâm. Nàng lấy chiếc quạt, quạt lấy cái hơi của Tiểu Kính Tâm về phía mình. Ôi trời! Gái bén hơi giai như thài lài gặp cứt chó là đây có phải?! [Trích phân tích của cố NSND. Năm Ngũ trong băng Tư liệu - Nguyễn Xuân Diện sở hữu 1 bản sao].

Vòng múa thít chặt lại với Tiểu Kính Tâm, đôi chân gấp gáp, cô không còn đi bằng nửa bàn chân, nữa mà đã đi bằng những đầu ngón chân thon. Câu hát cũng gấp gáp! Thị Mầu đã đê mê trong hoan lạc ảo tưởng. Thị Mầu đã cuồng si, điên loạn. ....

Cảm ơn cha ông đã làm ra chèo Quan Âm Thị Kính, để muôn sau Thị Mầu còn lẳng lơ mãi với nhân gian!

Nguyễn Xuân Diện mời chư vị xem trích đoạn Chèo cổ Thị Mầu lên chùa, trong vở Quan Âm Thị Kính, do diễn viên, NSUT Thu Huyền (vợ của ca sĩ Tấn Minh) - một em gái xứ Đoài - thể hiện. Tại Hội thi Tài năng trẻ toàn quốc ở Đà Nẵng, Nghệ sỹ Thu Huyền đã được trao Giải Nhất.

Tôi xem trích đoạn Thị Mầu lên chùa đã nhiều. Nhưng có hai người làm tôi mê nhất là Thanh Trầm và Thu Huyền.

Tôi ngưỡng mộ Thu Huyền - người em gái nhỏ bé đã góp phần làm sống dậy cả một nền nghệ thuật của tiền nhân!

Nguyễn Xuân Diện

20 nhận xét :

  1. Cảm ơn phần chia sẻ tư liệu và phân tích sâu như này tôi mới hiểu, chứ trước đây có xem nhiều lần, nhưng chưa cảm được, cũng như đi du lịch có hướng dẫn viên thuyết trình, hướng dẫn sẽ thấy hay và hấp dẫn hơn

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài của bác Nguyễn Xuân Diện sao nhớ thương thi sĩ Nguyễn Bính thế!
    Quả ông là cái gạch nối phi thường dẫn dắt những người trẻ hôm nay quay về "Đường xưa lối cũ":

    Mưa Xuân (Nguyễn Bính)
    Em là con gái trong khung cửi
    Dệt lụa quanh năm với mẹ già
    Lòng trẻ còn như cây lụa trắng
    Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

    Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
    Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
    Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
    Mẹ bảo: "Thôn Đoài hát tối nay".

    Lòng thấy giăng tơ một mối tình
    Em ngừng thoi lại giữa tay xinh
    Hình như hai má em bừng đỏ
    Có lẽ là em nghĩ đến anh.

    Bốn bên hàng xóm đã lên đèn
    Em ngửa bàn tay trước mái hiên
    Mưa chấm bàn tay từng chấm lạnh
    Thế nào anh ấy chả sang xem!

    Em xin phép mẹ, vội vàng đi
    Mẹ bảo xem về kể mẹ nghe.
    Mưa bụi nên em không ướt áo
    Thôn Đoài cách có một thôi đê.

    Thôn Đoài vào đám hát thâu đêm
    Em mải tìm anh chả thiết xem
    Chắc hẳn đêm nay giường cửi lạnh
    Thoi ngà nằm nhớ ngón tay em.

    Chờ mãi anh sang anh chẳng sang
    Thế mà hôm nọ hát bên làng
    Năm tao bảy tuyết anh hò hẹn
    Để cả mùa xuân cũng nhỡ nhàng!

    Mình em lầm lũi trên đường về
    Có ngắn gì đâu một dải đê!
    áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
    Lạnh lùng thêm tủi với canh khuya

    Bữa ấy mưa xuân đã ngại bay
    Hoa xoan đã nát dưới chân giày
    Hội chèo làng Đặng về ngang ngõ
    Mẹ bảo: "Mùa xuân đã cạn ngày".

    Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
    Bao giờ em mới gặp anh đây?
    Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
    Để mẹ em rằng hát tối nay?

    1936

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn của Tễu trong các cuộc biểu tình 2011-2012lúc 19:19 22 tháng 9, 2012

      Cám ơn Người dẫn bài thơ của thi sỹ Nguyễn Bính
      Chú Tễu

      Xóa
    2. Đọc bài này không biết bao nhiêu lần, nhưng thấy vẫn ưng đọc lại!

      Xóa
  3. Có một câu chuyện Thiền như thế này:
    Đức Quan Âm Thị Kính bị làng tra tấn, đánh đập rồi đổ diệt cho Người, Người tuy đau đớn nhưng vẫn khoan thai nói rằng:
    _Thế à!
    Khi Thị Mầu lâm bồn,làng bắt buộc Đức Quan Âm nuôi đứa trẻ,ngài lại khoan thai bảo rằng:
    _Thế à!
    Khi đứa trẻ trưởng thành, Ngài sắp nhập tịnh,Thị Mầu lúc đấy hối hận,đến Chùa xin ngài tha lỗi, Ngài cũng lại khoan thai nói rằng:
    _Thế à!
    Người đời bảo rằng,Ngài đã thành chánh quả.

    Trả lờiXóa
  4. Thu Huyen dep va dien rat hay. Nhung chu Tieu Thi Kinh thi già qua, cha lot ta duoc cai ve dep co the khien mot nguoi con gai tre me man ngay tu cai nhin dau tien duoc. Nguoi xem phai bat buoc va guong ep minh hieu la chu Tieu rat dep khi nhin mot nguoi kha gia nhu the.

    Trả lờiXóa
  5. Cô Thu Huyền không chỉ đẹp, cô đam mê chèo như thể kiếp trước cô đã hát chèo vậy.Tôi đã xem một chương trình trên TV nói về cô rồi.
    Những người có một niềm đam mê như thế là những người hạnh phúc bởi vì họ biết mình sinh ra để làm gì và muốn thực hiện điều gì.
    Xin chúc mừng cô Thu Huyền.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi mê Thị Mầu, đặc biệt là diễn xuất của Thu Huyền. Chúc chị cùng ga đình sức khỏe và hạnh phúc, chúc chị thành đạt hơn nữa trên con đường nghệ thuật đã chọn. Thật đáng mừng là qua webste này mà tôi nhận thấy các môn nghệ thuật cổ truyền của Vn đang sống dậy và có vị trí ngày càng quan trọng hơn trong giới trẻ.

    Trả lờiXóa
  7. Câu cuyện THẾ À của Ần Danh nguyên gốc nằn ở đây
    http://gocsan.blogspot.com/2011/02/collection-of-stone-and-sand-1-shaseki.html

    Trả lờiXóa
  8. Sat That Mean to Kill Sino (Chinese) Invader

    Kính báo độc giả trang nhà!

    Thú thật khi còn bé có lẽ không hiểu lắm. Lại sống ở thị xã nên tôi không thích hát chèo. Ấy thế mà bây giờ khi đã đi gần hết hai phần ba cuộc đời này mỗi khi nghe tiếng hát chèo đặc biệt là các bài chầu văn hoặc tiếng ca trù lòng lại thấy xao xuyến, bồi hồi như được sống lại với mối tình đầu của người con trai đối với người con gái. Phải chăng đó là hội chứng của người đã có tuổi? Thích tìm về cội nguồn, tìm về những miền đất, những con người đã sinh ra mình trong những năm tháng khốn khó.

    Khi nhìn con mình, cháu mình hôm nay thấy chúng lớn lên được đầy đủ, hạnh phúc hơn mình nhưng thờ ơ với vốn cổ dân tộc. Lòng lại thấy băn khoăn. Không biết chúng có như mình không? 30-40 năm nữa đất nước này sẽ phát triển, sẽ tiến xa. Nhưng liệu có còn những con người có cảm giác như mình khi nghe hát chèo, ca trù, dân ca nhạc cổ như hôm nay không? Tôi cho rằng điều đó đặt nặng lên vai những người nghiên cứu và bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian nói chung và các di sản văn hóa phi vật thể của người Việt nói riêng như Ts Diện.

    Tôi mong muốn những người như Gs Tô Ngọc Thanh, Gs Trần Văn Khê, Ts Nguyễn Xuân Diện … hãy làm được nhiều việc có ích hơn nữa để giữ gìn, bảo tồn những gì tinh túy nhất cho các thế hệ sau này. Để hàng trăm năm sau vẫn còn những người động lòng đến ngẩn ngơ khi nghe một điều chèo, một câu hát ca trù, một điệu lý… để dân tộc chúng ta trường tồn vững bước vào thiên niên kỷ thứ V.

    Cảm ơn mọi người đã đọc cái còm của một người lẩn thẩn này!

    P/s: Tối qua VTV1 có nói về Liên hoan Ca trù toàn quốc không nhà đài VTV mời Ts Diện. Tôi chợt nghĩ đến lễ kỷ niệm 50 thành lập Bộ đội Biên phòng nhưng người ta không cho dựng lại hợp xướng “Tiếng hát biên thùy” của nhạc sỹ Tô Hải.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cảm ơn bác SAT THAT! Tôi có được một cái may mắn hơn mọi người là đã có lần được Ts Nguyễn Xuân Diện phân tích cho nghe nghệ thuật trong "Trích đoạn Thị Mầu lên chùa". Hôm nay được dọc bài viết này của Ts Nguyễn Xuân Diên tôi cũng định viết một comment, nhưng khi đọc comment của bác SAT THAT tôi rất tâm đắc, vậy nên tôi xin được cảm ơn bác đã nói nên những điều mà chỉ những năm gần đây khi đã ở phía bên kia dốc cuộc đời tôi mới cảm nhận và suy nghĩ được như bác.

      Một lần nữa xin cảm ơn bác SAT THAT!
      Xin cảm ơn Ts Nguyễn Xuân Diện!

      Xóa
  9. "Câu cuyện THẾ À của Ần Danh nguyên gốc nằn ở đây
    http://gocsan.blogspot.com/2011/02/collection-of-stone-and-sand-1-shaseki.html"

    Chào bác Bút Điện Tử,
    Câu chuyện chúng tôi kể ở trên là do chúng tôi nghe được cách nay đã gần 40 năm, do thầy chúng tôi kể trong một giờ học môn Triết học.Với tôi khi đó gây ấn tượng mạnh, vì đó là lần đầu tiên trong đời tôi nghe đến Thiền học (vào năm đó chúng tôi theo học Tú Tài ban Toán nên Triết chỉ là mộn học phụ).Cám ơn.
    Và câu chuyện bác giới thiệu ở địa chỉ trên cũng na ná như vậy.Có thể cùng một nội dung nhưng bối cảnh khác nhau.Cám ơn .

    Trả lờiXóa
  10. Hồi tôi còn làm trong Công ty Thiết bị điện Đông Anh HN (1983-1984), tôi cũng như bao người không đoán được tương lai thành đạt của cô ca sĩ xinh đẹp Thu Huyền. Để trở thành 1 "Thị Mầu" ngày nay , Thu Huyền đã vượt lên bao khó khăn, đau buồn của chính giá đình mình lúc đó.
    Qua blog của Ts NXD , xin chúc Thu Huyền mạnh khỏe và hạnh phúc.
    Đinh Hoàng Giang.

    Trả lờiXóa
  11. hị Mầu


    Chiếu chèo trải xuồng sân đình
    Trăng như táo rụng nhuộm xanh cả trời
    Thị Mầu váy lụa yếm sồi
    Đuôi con mắt ướt đứng ngồi ngả nghiêng

    Đã yêu chẳng đợi bén duyên
    Đã thương chẳng sợ chính chuyên bạc màu
    Trống chèo cởi được nỗi đau
    Thì trăm năm nữa Thị Mầu vẫn oan

    Gió mưa têm với trầu vàng
    Lẳng lơ buộc với đa đoan làm bùa
    Gái ngoan rình được của chua
    Xuân thì hổn hển có chừa được đâu

    Ngàn năm trước vạn năm sau
    Hội chèo còn ngọt tiếng Mầu đong đưa

    Trả lờiXóa
  12. Trước 1975 có nghệ sỹ Thu Vân (vai tiểu Kính Tâm) va nghệ sỹ Huyền Trân(vai Thị Mầu)diễn cũng rất đạt.Huyền Trân tốt nghiệp trường Quốc gia âm nhạc,chị hát chèo và ngâm thơ rất hay trên sóng đài phát thanh và đài truyền hình THVN.

    Trả lờiXóa
  13. trích "tặng độc giả Nguyễn Xuân Diện -Blog!"

    Xin hỏi TS NXD : độc hay là đọc giả ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa, ĐỘC giả bác ạ. Không dùng ĐỌC giả. Độc là đọc. Độc giả là từ Hán Việt.
      Nếu dùng từ thuần Việt thì dùng là Người đọc.

      Kính bác!

      Xóa
  14. lúc nhỏ thôn mình có một đội chèo và một đội múa rối mà hầu như hàng tháng đều diễn .họ là những người nông dân thôi ,xong mùa màng họ lại tập chèo ,khi biểu diễn hay ra trò ,hoặc dăm tháng lại có đoàn kịch nói .đoàn chèo hay cải lương của tỉnh ,của trung ương về ,xa mấy thì cũng kéo đi xem ,rồi vài anh lại có cớ ghẹo gái làng bên :đây giờ chỉ còn đội múa rôi và xã xây cho "thủy đình" năm vài lần diễn cũng đông trẻ con chúng thích đáo để ,tuy chúng bây giờ không có sân chơi ,hoạt động tập thể chỉ ở báo cáo thành tích của cán bộ đoàn ,cán bộ đội lưu niên còn thì vào quán chát chít ,gêm nên nhiều dứa học dốt ,Văn hóa dân gian các bác có tâm tranh luận trên ty vi thì hăng lắm ,ít khi thấy xuống địa phương hoặc phổ biến truyền dạy trong đời thường (giả sử các đoàn văn nghệ Tỉnh ,TWcó xuống thì chưa chắc có bãi (vì đất cát cơ chế thị trường nên hóa giá cả rồi )để diễn hoặc "tiền" ít nên bác Sát thát có mách nước gì chăng ?

    Trả lờiXóa