Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

TIN BUỒN: VĨNH BIỆT NHÀ SỬ HỌC, DỊCH GIẢ ĐÀO HÙNG

.
.
.


TIN BUỒN
 Chúng tôi vô cùng kính tiếc báo tin:

Nhà sử học, Nhà báo, Dịch giả
ĐÀO THẾ HÙNG
(ĐÀO HÙNG)

sinh năm 1932, nguyên quán Khúc Thủy, 
huyện Thanh Oai, Hà Nội
Phó Tổng biên tập Tạp chí Xưa & Nay

đã từ trần hồi 17h07 phút ngày 17 tháng 12 năm 2013
tại Hà Nội, hưởng thọ 82 tuổi.

Lễ viếng từ 09h00 đến 11h00, Thứ Bảy ngày 21.12.2013
tại Nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội

Trong giờ phút đau buồn này, chúng tôi thành kính dâng lời cầu nguyện anh linh Nhà sử học Đào Hùng thanh thản về cõi vĩnh hằng. Chúng tôi gửi lời chia buồn sâu sắc tới Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Tạp chí Xưa & Nay

Xin nghiêng mình chia buồn cùng bà quả phụ Công Huyền Tôn Nữ Nghi Trinh và các con cháu trong đại gia đình.

Tưởng nhớ Nhà sử học Đào Hùng, chúng tôi đăng lại một số hình ảnh về chuyến đi điền dã cùng Ông về xem lại tấm bia ở cánh đồng Tốt Động năm xưa: 

Báo Đất Việt:
Tấm bia di ngôn không phải cho người Việt

“Ta rằng hỡi ôi! Số người thác ở đây trăm đời sau vẫn là ma khách. Nay các ngươi đều được về đây, thi thể các ngươi thoát khỏi cảnh ngâm thây đáy nước, dãi nắng bãi cỏ hoang, ăn gió uống sương hồn phách chập chờn như đom đóm...”. 

Đây là những chữ được khắc trên tấm bia dựng tại cánh đồng Tốt Động, nơi diễn ra trận huyết chiến lịch sử giữa nghĩa quân Lam Sơn và giặc Minh, địa danh sáng chói trong Đại cáo bình Ngô: 

“Ninh Kiều máu chảy thành sông tanh trôi vạn dặm
Tốt Động thây chất đầy nội nhơ để ngàn năm…”

Quá khứ 

Mùa Đông năm Bính Ngọ - 1426, nghĩa quân Lam Sơn với những cuộc vây thành bức hàng khiến quân Minh lâm vào thế chia cắt bị động không ứng cứu cho nhau được. Tháng Mười, vua Minh phong cho Thái tử Hoài vương hầu Vương Thông chức Chinh Di tướng quân, mang 5 vạn quân và 5 ngàn ngựa cùng Thượng thư Bộ binh Trần Hiệp và Tham tướng Mã Anh sang ứng cứu. Khi đến Đông Quan, Vương Thông lập tức cách chức một loạt tướng cũ, thành lập bộ chỉ huy mới, cùng với Sơn Thọ, Mã Kỳ, Phương Chính, Trần Hiệp, Lý Lượng... tổ chức một cuộc hành quân bão táp với 15 vạn người, “dài đến mười dặm, mũ giáp lòa trời, cờ tàn rợp nội, tự cho là đánh một trận có thể quét sạch quân ta”- (Lam Sơn thực lục).

Vương Thông chia quân làm hai mũi tiến công. Mũi chính với 10 vạn quân do đích thân Vương Thông chỉ huy, hành quân từ Đông Quan qua Tốt Động, vòng lên đánh úp bản doanh nghĩa quân Lam Sơn đang náu trên vùng Cao Bộ (thuộc huyện Chương Mỹ, Hà Tây). Hiệu lệnh hiệp đồng là “khi nào có súng hiệu là hai bên đánh thế gọng kìm vào quân ta”- (Việt sử toàn thư). Lúc này Lê Lợi và đại quân vẫn đóng trong Thanh Hóa. Những đội quân tham gia bức thành Đông Quan và chia cắt các phủ lộ chỉ có vài ngàn người do các tướng Nguyễn Xí, Lý Triện, Lê Lễ, Lê Ngân... chỉ huy. Đoán được âm mưu của giặc, nghĩa quân Lam Sơn đã bố trí tại Tốt Động một trận địa phục kích.

Tốt Động cách Hà Nội 25km về phía Tây Nam. Thời đó nơi đây là một đầm lầy ngập tràn lau lách. Nghĩa quân Lam Sơn tham gia trận đánh chỉ chưa đầy 3.000 người và 2 thớt voi chiến, xét về tương quan lực lượng thì thua xa quân của Vương Thông. Nhưng, nhờ khôn khéo chọn địa hình có lợi và bố trí lực lượng hợp lý, đặc biệt đã biết dùng kế nghi binh (cho bắn súng hiệu giả lừa Vương Thông tiến quân sớm hơn kế hoạch), nên nghĩa quân Lam Sơn đã có một trận đánh ngoạn mục.

Đạo quân của Vương Thông hùng hổ tiến quân. Nhưng con đường duy nhất đi qua Tốt Động quá nhỏ hẹp, một bên là những gò cao, một bên là đầm lầy. Đạo binh của Vương Thông đang ào ào như thác lũ bắt buộc phải “bóp thắt” theo dạng cổ chai, đội hình hành quân kéo dài hàng chục dặm từ Ninh Kiều (một địa điểm trên sông Đáy thuộc xã Mai Lĩnh ngày nay) đến Tốt Động.

Tại quyết chiến điểm, khi một tiếng súng lệnh nổ vang, voi chiến cùng nghĩa quân Lam Sơn hò nhau xông ra. Quân giặc bị bất ngờ, “cả người và ngựa lồng lên hoảng sợ nhảy xuống đầm lầy, giày xéo lên nhau chết chìm không biết bao nhiêu mà kể”. Tiền quân tan vỡ, hậu quân dồn lên ứng cứu, và cứ thế hết lớp này đến lớp khác, cánh đồng Tốt Động trở thành mồ chôn xác giặc Minh. Trận chiến diễn ra từ giờ Ngọ đến giờ Thân. 5 vạn quân giặc bị chết tại chỗ, 1 vạn bị bắt sống. Thượng thư Trần Hiệp và nội quan Lý Lượng bị chém đầu. Vương Thông bị trọng thương phải bỏ chạy về Đông Quan đóng cửa thành viết thư cầu viện binh.

Trận Tốt Động có ý nghĩa chiến lược, buộc nhà Minh phải điều Liễu Thăng và Mộc Thạnh mang 12 vạn quân sang cứu nguy, để rồi cả hai đạo quân này đều bị đánh bại trong chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang nổi tiếng năm 1427, khiến Vương Thông không còn đường nào khác phải chấp nhận đầu hàng.

Theo truyền thuyết, xác giặc Minh nổi trên đồng nhiều không kể xiết, cá trê ăn xác giặc nên sinh sôi nhiều vô kể. Dân làng liền đặt tên là đồng Trê. Nơi nhân dân Tốt Động mang gạo ủng hộ nghĩa quân thì đặt tên đồng Gạo. Vài năm sau khi giành độc lập, vua Lê Thái Tổ đã xuống chiếu cho làng Tốt Động thu nhặt hài cốt giặc Minh chôn vào 300 ngôi đại mộ, hàng năm cúng tế đàng hoàng. Đến năm Bính Dần - 1866, vua Tự Đức ra chiếu cho làng Tốt Động làm “việc nghĩa chủng”, quy tụ hài cốt về một đại mộ, xây bó đá ong và đặt tên nơi đó là đồng Mồ. Trên đồng Mồ đặt tấm bia đá “di ngôn”, do cử nhân Bộ lại Đặng Tĩnh Trai thừa soạn.
 

Hiện tại
 

Làng Tốt Động có một cái lễ đặc biệt. Vào ngày 24 tháng Chạp hàng năm, dân làng mang cơm cháo rượu thịt... lên đồng Mồ và đọc bài văn cúng “ma khách”:

Hỡi ơi các vong hồn! Vua ta có lòng nhân nghĩa, ra sắc chỉ cho thu nhặt hài cốt, xây mồ. Vì không nơi nương tựa, các ngươi hãy nhớ ngày này trở về đây mà hưởng tết. Lòng thành lễ mọn, các ngươi cùng hưởng, không phải e lệ chi…”.

Trong khi thầy cúng đọc, trẻ em chăn trâu trên đồng sẽ đóng vai những “ma khách” đói khát chầu chực quanh chiếu lễ vật chỉ chờ thầy cúng đọc đến câu “ô hô cẩn cốc” là tranh nhau cướp. Bởi thế lễ này mang tên Cướp cháo cầu. Tục cướp cháo cầu tại “bia di ngôn” vẫn còn được duy trì đến tận ngày hôm nay.
 
Đỗ Tiến Thụy
Nguồn: Báo Đất Việt.


NHÀ SỬ HỌC ĐÀO HÙNG VÀ NGUYỄN XUÂN DIỆN VỀ THĂM TỐT ĐỘNG

alt
Cánh đồng Tốt Động. Ngôi miếu nhỏ trong ảnh là nơi đặt tấm bia

alt
Nhà sử học Đào Hùng, Phó TBT Tạp chí Xưa Nay, đang xem tấm bia "di ngôn"

alt
Nguyễn Xuân Diện đang kiểm tra niên đại của tấm bia

alt
Xem kỹ từng dòng chữ

alt
Chép lại mặt sau tấm bia

alt
Cả một đốc tường nhà biến thành một đôi câu đối khổng lồ.
Đây là lần đầu tiên tôi thấy có đôi câu đối cổ hoành tráng đến vậy.
Chữ ghi trên vách tường: NINH KIỀU CHI HUYẾT THÀNH XUYÊN
(Ninh Kiều máu chảy thành sông - trích Bình Ngô đại cáo, Nguyễn Trãi)


alt
Và: TỐT ĐỘNG CHI THI MÃN DÃ
(Tốt Động thây phơi đầy nội)


alt
Cả Ông Đào Hùng, Nguyễn Xuân Diện và các vị cùng đi đều quá bất ngờ về đôi câu đối và rất xúc động khi thấy được hào khí cha ông vẫn còn đang truyền cho hậu thế!

alt
Cùng cụ thủ từ, xem lại bài văn tế,
Và cùng nhau cắt nghĩa một vài chữ trong văn bản
.
alt
Nhà sử học Đào Hùng và Nguyễn Xuân Diện tại đình làng Tốt Động

alt
Cánh đồng mùa xuân thanh bình quá!
Ảnh: Nguyễn Xuân Diện

5 nhận xét :

  1. Có ai thay thế và nối tiếp sự nghiệp sử gia Đào Hùng ?
    Thành kính nghiêng mình trước anh linh nhà sử học họ Đào . Nguyện cầu anh linh cụ Đào sớm về miền Cực Lạc, được gặp lại các bậc Tiền Nhân lỗi lạc .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thành kính Phân Ưu cùng tang quyến .

      Xóa
  2. Xin hỏi tấm bia đó vẫn còn tại đấy chứ ạ ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thưa bác, tấm bia hiện vẫn còn ở đó bác ạ!

      Xóa
  3. Thank kinh phan uu cung Chi Trinh va cac Chau. Nguyen cau anh linh cua Anh Hung luon gia ho cho dan toc VN som thoat khoi doi ngheo va ap buc. LKN

    Trả lờiXóa